Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Thu - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là các già làng, trưởng bản và người có uy tín trên địa bàn huyện luôn tích cực xây dựng quê hương, làng bản, nhiệt tình tham gia hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đóng góp sức người, sức của cho quê hương.
Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Yên Lập đã có những hành động thiết thực và hiệu quả. Phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, đồng bào các dân tộc trong huyện đã tích cực tham gia các chương trình phát triển KT-XH đi đôi với việc thực hiện các chính sách xã hội. Nhiều hộ gia đình đã giúp đỡ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kinh nghiệm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế; tham gia xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, thể dục thể thao và các cuộc vận động xã hội khác. Một bộ phận đồng bào dân tộc đã tổ chức sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn trong huyện dần khởi sắc. Đời sống văn hoá tinh thần, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư ngày càng được nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 14,5 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện có gần 100% số cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa; 65% số xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, thị trấn văn hóa; 60% khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa và 80% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn hộ gia đình văn hoá. Đến nay, 100% khu dân cư trong huyện có nhà văn hóa, là nơi sinh hoạt cộng đồng, tạo tiền đề cho các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển.
![]()
Phát huy vai trò người có uy tín, ông Đinh Xuân Tình ở khu 5, xã Xuân Thủy
đã vận động bà con phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư
Theo chỉ dẫn của cán bộ địa phương, chúng tôi tìm đến gia đình ông Đinh Xuân Tình (dân tộc Mường) ở khu 5, xã Xuân Thủy khi xung quanh đã thơm mùi khói bếp, các thành viên trong gia đình đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa trong ngày. Từ nhiều năm nay, ông Tình đã được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Ông Tình cho biết: Bản thân ông và gia đình nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống. Vì vậy, ông đã thường xuyên động viên vợ con, vận động cộng đồng dân cư, nhất là các hộ gia đình có đời sống kinh tế khó khăn tích cực trồng lúa, chè, các loại cây ăn quả, chăn nuôi gà, vịt để cải thiện kinh tế gia đình; tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thực hiện nếp sống văn hóa, các quy ước, hương ước ở khu dân cư, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay; tự nguyện hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng… góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Riêng gia đình ông Tình đã hiến tặng 800m2 đất và ủng hộ nhiều ngày công để làm đường giao thông và công trình thủy lợi ở địa phương.
Gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai của chị Bùi Thị Lụa (45 tuổi) ở khu Liên Hiệp 2, xã Xuân An khi người chồng ốm đau, bệnh tật một thời gian dài, không còn khả năng lao động, 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Vượt lên hoàn cảnh, bằng tình yêu thương gia đình, chị đã hết lòng chăm sóc chồng con, nuôi dưỡng và dạy dỗ các con khôn lớn, trưởng thành; tham gia phát triển kinh tế để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Tại địa phương, chị là người có uy tín trong cộng đồng đồng bào Công giáo, có nhiều năm tham gia công tác tại các hội, đoàn thể. Chị Lụa chia sẻ: “Theo mình, dù là đồng bào bên Lương hay Công giáo cũng phải luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Với suy nghĩ ấy, bản thân chị luôn gương mẫu đi đầu, sẵn sàng giúp đỡ, vận động các chị em trong khu yên tâm lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo, ủng hộ, đóng góp một phần kinh phí, công sức nhỏ bé giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng nhân các ngày lễ, tết hằng năm. Qua đó đã góp phần phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong đồng bào các tôn giáo, xây dựng đời sống văn hóa xứ giáo dân.
Có thể khẳng định rằng, phát huy vai trò quan trọng của mình, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Yên Lập đã tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hăng hái thi đua lao động sản xuất, đóng góp trí tuệ, vật chất, phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương, làng xóm ngày càng phát triển.