
Thanh Sơn là địa bàn sinh sống lâu đời của dân tộc Mường trên đất Phú Thọ với tổng số gần 6 vạn người. Trải qua quá trình phát triển giao lưu với các dân tộc ở Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái… cộng đồng dân tộc Mường Thanh Sơn đã hình thành nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng. Kết quả kiểm kê di sản văn hóa giai đoạn 2013- 2016 trên địa bàn huyện đã xác định có 25 di tích vật thể và 7 loại hình văn hóa phi vật thể lưu giữ trong cộng đồng dân tộc Mường. Trong đó có nhiều di tích tiêu biểu, có một số di tích được xếp hạng như Đình Thạch Khoán; Tất Thắng; Hương Cần; cồng chiêng, nhà sàn, nghệ thuật trình diễn đâm đuống, hát ví hát giang, đánh trống đất, múa trống đu, múa bông, múa sênh tiền, lễ hội truyền thống, sản xuất, chế biến mộc, làm thịt chua…. Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, những năm qua hoạt động bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện đã thu được một số kết quả. Đồng bào dân tộc Mường có ý thức bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Một số lễ hội truyền thống được khôi phục, các hoạt động văn hóa đã hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có. Công tác bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống kết hợp với xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, đã góp phần cải thiện và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho đồng bào, phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của các tầng lớp xã hội tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tuy vậy do một số nguyên nhân hoạt động bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc Mường còn bộc lộ các hạn chế như: Hầu hết di sản văn hóa phi vật thể tồn tại lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng, dễ bị mai một biến tướng trước áp lực kinh tế thị trường, tác động của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại khác. Nhiều loại hình văn hóa độc đáo, tiêu biểu và quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân nhưng còn lưu giữ rất ít, không được tổ chức thường xuyên. Một số kiến thức dân gian về y học, truyện cổ dân gian đã bị mai một. Kiến trúc nhà ở, không gian văn hóa, một số nghề truyền thống, dụng cụ sản xuất, trang phục, vật dụng sinh hoạt, phương tiện vận chuyển đã thay đổi và cách tân không còn giữ giá trị. Việc tổ chức sưu tầm, nghiên cứu giới thiệu những giá trị trong bản sắc văn hóa người Mường trên địa bàn huyện còn tản mạn; khâu bảo tồn, lưu giữ sưu tầm, nghiên cứu thiếu khoa học; thiếu cán bộ quản lý và chế độ đãi ngộ người làm công tác văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa phát huy hết các giá trị văn hóa của dân tộc Mường. Nếu không có giải pháp sưu tầm, bảo tồn, phát huy nhiều di sản văn hóa dân tộc Mường Thanh Sơn sẽ bị mai một.
Để khắc phục tình trạng trên huyện Thanh Sơn đã xây dựng đề án kiểm kê, sưu tầm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Mường từ nay đến năm 2025. Mục đích nhằm phát huy các giá trị bản sắc văn hóa góp phần phát triển du lịch, lễ hội và phát huy văn hoá truyền thống, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho đồng bào các dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội ở địa phương. Đề án sẽ tập trung nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, bổ sung, bảo quản các tài liệu, hiện vật quý hiếm thuộc di sản văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc Mường; Nhận diện và xác định giá trị của di sản văn hóa truyền thống phục vụ việc nghiên cứu và bảo tồn lâu dài, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Trước mắt huyện dự kiến đầu tư trên 8,5 tỷ đồng tập trung nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nhất là giá trị của di sản văn hóa gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh rà soát kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền văn hóa truyền thống dân tộc Mường điển hình; mua sắm, phục chế các loại hình văn hóa vật thể, trang phục dân tộc, mở các lớp tập huấn khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể; Thành lập câu lạc bộ diễn xướng cồng chiêng; đâm đuống; hát ví; hát rang; múa sênh tiền; múa trống đu; múa bông; múa mỡi ở các xã , trường học; xây dựng các nhà văn hóa khu dân cư, trường học có các dụng cụ sinh hoạt văn hóa mang bản sắc dân tộc. Hàng năm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa; các cuộc thi văn nghệ, khôi phục may, mặc trang phục dân tộc Mường. Thông qua ngày hội Văn hóa, Thể thao, du lịch các dân tộc, các hoạt động tại Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng để quảng bá văn hóa dân tộc Mường đến đông đảo cộng đồng. Tập huấn cho đội ngũ cán bộ về công tác nhận diện, kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường; Mở các lớp tập huấn truyền dạy diễn xướng dân gian, hát dân ca; Bảo tồn nhà sàn truyền thống, mua sắm nhạc cụ dân tộc và xây dựng chế độ ưu đãi, khuyến khích các nghệ nhân dân gian để đẩy mạnh bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường. Phấn đấu đến năm 2020 mỗi xã có ít nhất một câu lạc bộ văn hóa trình diễn văn hóa dân tộc Mường. Từ 30% đến 50% số xã có nhà sàn, kiêm nhà trưng bày các hiện vật truyền thống như dụng cụ lao động, đồ gia dụng, trang phục, đạo cụ… tại trung tâm xã; những xã có 50% dân số là dân tộc Mường sinh sống trở lên có 50% khu dân cư, các trường tiểu học, THCS, THPT thành lập được đội văn nghệ trình diễn văn hóa dân tộc Mường. Khôi phục trang phục dân tộc Mường để cán bộ và nhân dân có thói quen mặc trang phục dân tộc dịp lễ, hội. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc lập danh mục và xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện; 100% các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn có đông đồng bào Mường sinh sống có đội văn hóa trình diễn văn hóa dân tộc. Từ 70% đến 80% các xã có nhà truyền thống trưng bày, quảng bá di sản văn hóa điển hình của địa phương; xây dựng nhà trưng bày truyền thống tại trung tâm.
Quang Công- Đài TTTH Thanh Sơn